Trời nóng hầm hập, bức xạ gây nguy hiểm, giữ sức khỏe thế nào?

Trời nóng hầm hập, bức xạ gây nguy hiểm, giữ sức khỏe thế nào? - Ảnh 1.

Người dân, nhất là người lao động đường phố chật vật vì nắng nóng – Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong hai ngày 11 và 12-5, Nam Bộ nắng nóng với nhiệt độ cao nhất 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Tại TP.HCM, chỉ số tia UV liên tục ở mức 10, 11, theo dự báo của trang thời tiết Weather Online (Anh).

“Luôn thấy thái khát nước, lờ đờ”

TP.HCM những ngày qua thời tiết nắng nóng, trời ít mây, đứng gió. Do trời ít mây nên cường độ nắng càng gay gắt hơn, chỉ số tia UV cao khiến người đi đường cảm thấy bỏng rát khi đi dưới nắng thời gian dài.

Trú dưới bóng cây trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận Phú Nhuận sau khi hoàn thành chuyến xe xuất phát từ quận 1, ông Nguyễn Thanh Việt (49 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ) tranh thủ uống nước từ chiếc bình mang theo.

Ông Việt cho biết những ngày qua nắng nóng như cực hình với anh em tài xế xe ôm, thời tiết khô, nực khiến cơ thể luôn trong trạng thái khát nước, lờ đờ. “Tui chạy xe ngày nào cũng mang theo bình nước 1,5 lít để uống dần, những ngày gần đây chưa hết buổi sáng đã uống cạn nước. Trên đường đi có các bình nước miễn phí thì tui ghé vào châm thêm. Chạy xe dưới trời này mà không uống nước cảm giác choáng váng, xây xẩm” – ông Việt chia sẻ.

Còn ông Hồ Kim Lếnh (67 tuổi, quận Phú Nhuận) tự trang bị cho mình một chiếc quạt mini chạy bằng pin và chế yên xe sau thành chỗ gắn dù để trú nắng. Ông Lếnh cho biết ông làm nghề bơm vá xe cho khách vãng lai qua lại trên đường Điện Biên Phủ, những ngày này nắng nóng quá mức nên ông chỉ dọn hàng ra một chút rồi lại dọn về.

Căn nhà ông ở nóng hầm hập cả ngày lẫn đêm nên dọn hàng xong ông thường ra các bờ kênh, công viên ngồi cho dịu mát. “Lớn tuổi rồi tắm hoài sợ bệnh, sẵn tui bị huyết áp nữa trời nóng quá là lên máu cũng sợ. Đi làm mấy nay phải mang theo thuốc để đề phòng” – ông Lếnh nói.

Đang bán vé số trên đường Dương Bá Trạc (quận 8), ông Nhâm Kiều Hải (56 tuổi, quê Cà Mau) ghé thùng trà đá miễn phí đặt trên vỉa hè uống nước. Theo ông Hải, thời tiết TP.HCM những ngày qua rất nóng nên ông cảm thấy trong người luôn bức bối, khó chịu, mồ hôi chảy như tắm nên phải uống nước liên tục để bù nước.

Hầu hết người đi đường đều đeo khẩu trang, mặc quần áo dài, đeo kính mát… để chống nắng. Nhiều người ghé quán nước, thùng trà đá miễn phí dọc vỉa hè để giải cơn khát, trong khi đó một số người lại chọn đứng dưới bóng cây, gầm cầu…

Các quán nước cho biết lượng khách mua tăng mạnh những ngày gần đây, nhiều nhất là thời điểm giữa trưa nắng.

Cẩn thận kẻo sốc nhiệt, đột quỵ

Trời nóng hầm hập, bức xạ gây nguy hiểm, giữ sức khỏe thế nào? - Ảnh 2.

Người đi đường uống nước trà đá miễn phí để giải khát giữa trưa nắng oi bức – Ảnh: XUÂN MAI

Các bác sĩ cảnh báo thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, dễ dẫn đến rối loạn chuyển hóa, thậm chí đột quỵ do sốc nhiệt.

Riêng với trẻ em là đối tượng “nhạy cảm” khi thời tiết nóng bức. TS Trịnh Hồng Nhiên – trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng TP – cho biết thời tiết này khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt, mất nước, tổn thương da (nhất là các trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ), mắc các bệnh lý đường tiêu hóa… 

Đặc biệt, nắng nóng trẻ hay có xu hướng tắm sông suối, hồ (trẻ lớn) và hay vọc nước trong các lu, khạp, thau chậu (trẻ nhỏ). Vì thế, cha mẹ cần dặn dò, chú ý trẻ để tránh các tai nạn thương tâm.

Ngoài ra, chỉ số tia UV tăng cao cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Bác sĩ Lê Đức Thọ (chuyên khoa da liễu) cho hay bức xạ tia UV, các bức xạ khác (có trong ánh sáng mặt trời) rất nguy hại, có thể gây một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi chỉ số tia UV mức 8-10, nếu ở ngoài nắng khoảng 25 phút có thể bị bỏng da. Khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên, nguy cơ da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. Tia UV ở mức 12 rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Tránh bệnh mùa nắng nóng

* Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, mang khẩu trang… chống nóng.

* Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol… Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

* Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp.

* Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân cần uống đủ nước, tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. (Bộ Y tế)

Nguồn bài viết

Bài viết liên quan
Call Now Button