Mỹ có thể kéo dài thời gian giãn cách xã hội; Anh chuẩn bị ứng phó với đợt bùng phát thứ hai; số ca ở Singapore tiếp tục tăng mạnh

Tại Mỹ, ổ dịch lớn nhất thế giới, số ca nhiễm hiện là 878.974, tăng 30.257 ca so với ngày hôm trước, có thêm 2.095 trường hợp tử vong, nâng tổng số lên 49.754. Một nghiên cứu được thực hiện bởi bang New York cho biết bang này có lúc ghi nhận tới 13,9% người mang triệu chứng nhiễm Covid-19. Mới đây, Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng rằng ông có kế hoạch kéo dài quy định giãn cách xã hội đến đầu mùa hè hoặc muộn hơn, cho đến khi “cảm thấy an toàn”.

Theo số liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha, nước này có 4.635 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên 213.024. Số người chết tăng 440, cao hơn so với con số 435 của ngày hôm trước, lên 22.157. Hiện tại, đã có gần 90.000 người hồi phục. Hôm 22/4, Quốc hội Tây Ban Nha đã uỷ quyền cho chính phủ việc gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tuần. Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết 1 số quy định sẽ được nới lỏng trong thời gian tới vì xu hướng tăng của số ca và tử vong mới phần lớn đã ổn định. Dẫu vậy, ông cho biết quá trình này sẽ diễn ra từ từ và thận trọng.

Số người đã hồi phục ở Italy hiện đã cao hơn số ca nhiễm mới lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Đây là dấu hiệu cho thấy hiệu quả đáng kể từ việc áp dụng lệnh phong toả. Theo số liệu từ cơ quan y tế, nước này ghi nhận 2.646 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, giảm từ 3.370 ở 1 ngày trước, lên 189.973. Trong khi đó, số bệnh nhân đã hồi phục là 3.033. Italy ngày hôm qua có 464 ca tử vong, nâng tổng số lên 25.549. Thứ trưởng Bộ Y tế Pierpaolo Sileri mới đây cho biết, các công ty trong ngành sản xuất ô tô và xây dựng sẽ là những công ty đầu tiên mở cửa lại hoạt động, khi chính phủ bắt đầu dần gỡ bỏ lệnh phong toả trên toàn quốc từ ngày 4/5.

Ca nhiễm ở Pháp 24 giờ qua tăng 2.239, lên 158.183, có thêm 516 trường hợp tử vong, nâng tổng số lên 21.856. Theo 1 quan chức tại văn phòng Tổng thống, Pháp sẽ dỡ bở lệnh phong toả trên toàn quốc theo từng trường hợp cụ thể. Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu rằng việc này sẽ được áp dụng, điều chỉnh tại từng địa phương, tuỳ thuộc vào tình hình dịch bệnh và giao thông công cộng tại đó.

Tổng số người nhiễm ở Đức hiện là 153.129, có thêm 2.481 ca, trong khi đó số người chết là 5.575, tăng 260 trường hợp so với ngày hôm trước. Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier ngày hôm qua đã cảnh báo rằng hoạt động du lịch trong kỳ nghỉ hè có thể phải huỷ bỏ. Ông cho biết: “Mỗi người dân phải nhận ra rằng, không ai có thể đảm bảo chuyến đi đã được lên kế hoạch từ trước sẽ diễn ra. Chúng tôi không rõ cuộc khủng hoảng này sẽ tiến triển như thế nào ở những quốc gia khác.”

Anh có thêm 4.583 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 138.078, trong đó có 18.738 người tử vong, tăng 260 ca. Quốc gia này hiện đang chuẩn bị kỹ càng để ứng phó với làn sóng bùng phát bệnh thứ 2. Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết sẽ triển khai 1 chương trình theo dõi liên lạc và tăng cường xét nghiệm, sau nhiều tuần chính phủ chịu chỉ trích vì đã chậm trễ khi thực hiện 2 việc được coi là quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh. Ngoài ra, các chuyên gia từ Đại học Oxford và Văn phòng Thống kê Quốc gia sẽ thực hiện khảo sát với 25.000 trong nghiên cứu về dịch bệnh và xét nghiệm kháng thể.

Tại châu Á, dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát mạnh tại Ấn Độ, khi có 1.669 ca nhiễm mới, tổng số ca hiện là 23.039, trong đó số ca tử vong là 721. Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ cho biết chỉ có 31% bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, trong khi đó 69% không hề có biểu hiện nhiễm bệnh.

Singapore hiện là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á, có thêm 1.037 ca nhiễm trong 24 giờ qua, trong đó có 21 công dân và thường trú nhân, tăng lên 11.178 và ghi nhận 12 ca tử vong. Hầu hết số ca nhiễm ở đợt bùng phát thứ 2 này là lao động nhập cư sống tại các ký túc xá. Hiện tại, Singapore đang cách ly 21 khu ký túc xá. 

Nguồn bài viết

Bài viết liên quan
Call Now Button