Khánh Hòa lo ứng phó 7 nguy cơ từ hạn, tụt nước ngầm, mặn xâm nhập

Khánh Hòa đối mặt nguy cơ thiếu đói do hạn mặn - Ảnh 1.

Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang để giữ nước ngọt cho hai nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho cả thành phố Nha Trang và một phần các huyện Diên Khánh, Cam Lâm – Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Báo cáo mới nhất của Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết kể từ đầu năm đến nay toàn tỉnh này hầu như không mưa, nước trên các sông suối đã bị cạn hụt từ 40-60% lượng nước trung bình nhiều năm. Nhiều đợt nắng nóng còn kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 tới nên khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi quan trắc từ trước đến nay trên các sông suối ở tỉnh.

Với nạn hạn hán kéo dài như kể trên, toàn tỉnh sẽ phải đối phó với 7 nguy cơ. Đó là nguy cơ thiếu đói bởi nguồn nước thiếu hụt nghiêm trọng sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nước sản xuất, chăn nuôi. Vì vậy, buộc phải ngừng sản xuất vụ hè thu trên gần 14.500ha và khả năng thiếu đói sẽ xảy ra nhiều nơi trong tỉnh.

Nguy cơ thứ hai là thiếu nước sinh hoạt với khoảng 104.000 người trong hơn 25.800 hộ ở nhiều địa bàn. Tiếp đến là nguy cơ ảnh hưởng xâm nhập mặn. Vì hạn hán dẫn đến tụt nước ngầm sẽ khiến nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền. 

Từ đó, dẫn đến bốn nguy cơ còn lại: thiếu nước sản xuất, chăn nuôi; môi trường, đất bị suy thoái làm thay đổi đến cả động thực vật, đa dạng sinh học… và các nguy cơ dịch bệnh, cháy rừng.

Trong đó, vấn đề đang được tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo ứng phó là việc nước mặn xâm nhập sông Cái Nha Trang gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước cho hai nhà máy nước Xuân Phong và Võ Cạnh (tổng công suất 124.000m3/ngày đêm).

Nếu nguồn nước đó bị nhiễm mặn thì sẽ gây tác động, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 500.000 người dân ở cả thành phố Nha Trang và một phần của huyện Diên Khánh, Cam Lâm.

Do đó, tỉnh yêu cầu Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa phải duy tu đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho hai nhà máy nước đã nêu.

Tỉnh Khánh Hòa vừa dự kiến chi 88,6 tỉ đồng cho các địa phương, đơn vị thực hiện các biện pháp ứng phó các nguy cơ do hạn hán kéo dài.

Trong đó, chủ yếu ưu tiên đầu tư cho việc giữ nguồn nước và tìm thêm cách bổ sung nguồn nước để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và cho chăn nuôi, sản xuất công nghiệp…

Nguồn bài viết

Bài viết liên quan
Call Now Button