Đừng cố thay đổi tương lai khi hiện tại còn chưa đứng vững

01.

Thời kỳ chuẩn bị tốt nghiệp ra trường và đang bắt đầu tìm kiếm việc làm luôn là giai đoạn “ác mộng” đối với mọi sinh viên. Hầu như tất cả chúng ta đều từng gặp áp lực, thức trắng đêm vì lo nghĩ cho tương lai của bản thân.

Nhìn những người bạn bên cạnh suôn sẻ đi thử việc tại các công ty, tập đoàn lớn, hoặc tập trung ôn luyện để học lên các văn bằng cao hơn, đã có mục tiêu và kế hoạch phát triển kế tiếp rõ ràng, nỗi bất an trong lòng lại càng lớn hơn nữa. Chính nỗi bất an đó càng khiến những người chưa xác định được phương hướng trở nên hoang mang, lo nghĩ quá nhiều.

Chẳng hạn, một sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đứng trước thông tin tuyển dụng của công ty lớn trong ngành. Thay vì nhanh chóng nắm bắt cơ hội, cậu ta lại lo lắng đủ điều.

“CV của mình có cần phải tạo ra sự khác biệt nào để gây ấn tượng không nhỉ?”

“Phỏng vấn của họ chắc là khắc nghiệt lắm. Nhỡ mình hồi hộp quá không trả lời tốt thì sao?”

“Liệu kỹ năng của mình có đủ để làm những việc này không?”

“Mức độ cạnh tranh có cao quá không?”

Đối mặt với tương lai không xác định, sự hồi hộp sẽ xuất hiện trong tâm trí, nó khiến chúng ta phải suy nghĩ và băn khoăn rất nhiều. Chúng ta sẽ trở nên sợ hãi trước mọi nhân tố có thể xảy đến. Chính quá trình này khiến cho ta càng thêm rối trí và lo lắng hơn.

Như doanh nhân giàu có người Mỹ, Waite Phillips từng nói: “Đến một ngưỡng nào đó thì việc xem xét hay cân nhắc đều sẽ trở thành tai hại.”

Nếu một người chỉ mãi băn khoăn bản thân có đủ năng lực, có phù hợp cho vị trí ứng tuyển đó không mà chần chừ không dám nộp CV, anh ta sẽ đánh mất chính cơ hội tự trả lời những câu hỏi đó.

Nghĩ nhiều làm ít, lối suy nghĩ đi vào ngõ cụt điển hình: Đừng cố thay đổi tương lai khi hiện tại còn chưa đứng vững - Ảnh 1.

Người ta có câu: “Một suy nghĩ không bằng mười hành động”.

Càng ở vào thời điểm mất phương hướng, chúng ta lại càng phải hành động nhiều hơn nữa. Nhìn vào thất bại và thành công của từng hành động ấy, chúng ta mới một lần nữa xác định được những gì thích hợp nhất với bản thân.

Disraeli, một nhà văn, nhà chính trị Anh đã nói: “Cuộc đời quá ngắn ngủi để có thời gian xét nét những điều vụn vặt.”

Càng để tâm, suy nghĩ quá nhiều, bạn càng lãng phí nhiều thời gian một cách vô ích.

02.

Có một nữ nhân viên văn phòng 30 tuổi, hiện đang công tác cho một doanh nghiệp nhỏ kể từ khi tốt nghiệp đại học. Sau nhiều năm làm việc, luôn cảm thấy mình không có cơ hội để vươn lên ở đây, quan hệ với đồng nghiệp cũng không tốt, thường xuyên xảy ra xích mích lớn nhỏ.

Để thoát khỏi tương lai ảm đạm này, cô hạ quyết tâm nhất định phải thay đổi, bắt đầu từ việc ôn luyện thi lấy chứng chỉ CPA, trở thành kế toán viên lành nghề rồi chuyển sang một công ty lớn ổn định hơn. Mỗi ngày, cô đều đăng nhật ký cá nhân ghi lại quá trình học tập mỗi ngày lên mạng, cùng nhờ cư dân mạng dõi theo và hỗ trợ giám sát.

Thời gian đầu, bài đăng được cập nhật liên tục cho thấy cuộc sống của cô đã thay đổi từng ngày. Cư dân mạng cũng tích cực để lại những lời nhắn khuyến khích cô.

Thế nhưng, sau đó một tháng, số lượng bài cập nhật bắt đầu ít dần đi. Có khi, cả một tháng đều chẳng thấy có thêm tin tức gì.

Bẵng đi hồi lâu, khi người ta thấy cô trở lại đăng bài, thì nội dung của nó lại là: “Học thi CPA quá khó rồi, chắc thi cũng không nổi. Mà dù có thi đỗ đi nữa cũng chưa chắc bản thân mình đã xin được vào công ty mong muốn. Tranh chấp với đồng nghiệp thì nhịn một lúc là xong. Giờ mà đi nơi khác, chưa chắc đã được thoải mái như bây giờ”.

Tất cả đều dừng lại ở đó.

Nghĩ nhiều làm ít, lối suy nghĩ đi vào ngõ cụt điển hình: Đừng cố thay đổi tương lai khi hiện tại còn chưa đứng vững - Ảnh 2.

Đó là lý do mà tỷ phú Jack Ma từng có lần phát biểu rằng: “Rất nhiều người trẻ chỉ có thể vẽ nên hàng ngàn con đường khác nhau vào ban đêm, còn đến khi thức dậy vào buổi sáng, họ đều đi về cùng một con đường ban đầu.”

Đại đa số thời điểm, bạn có thể nghĩ ra rất nhiều ý tưởng như một mô hình kinh doanh táo bạo, một dịch vụ hoàn hảo hay một một sản phẩm cực kỳ độc đáo nhưng khi bắt đầu thực hiện, đối mặt với một vài khó khăn và rắc rối ban đầu, bạn lại dễ dàng từ bỏ nó.

Có quyết tâm để thay đổi nhưng không đủ can đảm để kiên trì, cuối cùng, kết quả chỉ là con số không.

03.

Trong tâm lý học, có một thuật ngữ gọi là Rumination (tạm hiểu là tư duy nhai lại), nằm trong nghiên cứu “Effects of self-focused rumination on negative thinking and interpersonal problem solving” của hai chuyên gia tâm lý là Lyubomirsky, S., & Nolen-Hoeksema, S. (1995).

Nó đề cập tới hành động không ngừng suy ngẫm lặp đi lặp lại về một sự kiện hoặc cảm xúc tiêu cực, sau đó quy kết nguyên nhân và kết quả dựa theo phương hướng tư duy tiêu cực, làm sai lệch bản chất sự việc ban đầu.

Hay nói cách khác, nếu một người tự nhấn chìm bản thân trong suy nghĩ tiêu cực thì chính sự tiêu cực đó sẽ quay ngược lại phá hủy lý trí và cảm xúc tiêu cực của họ, phóng đại cảm giác buồn bã, lo lắng và trầm cảm trong lòng.

Có thể thấy rằng, thay vì lãng phí thời gian để băn khoăn quá nhiều điều, hãy nhanh chóng đưa ra quyết định và hành động, có hành động thì chúng ta mới biết được tương lai ở phía trước là xấu hay đẹp.

Nhà văn Nhật Bản Matsuura Yataro từng chia sẻ rằng:

Những người hay lo đều mắc một thói quen xấu, đó là suy nghĩ quá nhiều về những điều chưa biết ở tương lai. Để thay đổi, hãy học cách tư duy theo một phương thức khác mỗi khi gặp vấn đề. Hãy giải quyết những khó khăn ở hiện tại, xử lý những rắc rối đã phát sinh chứ không phải đặt toàn bộ tâm trí vào những chuyện “có thể xảy ra” trong tương lai ngày mai, ngày kia, thậm chí là một hoặc mười năm nữa.

Tập trung vào hiện tại sẽ đem lại kết quả trực quan hơn là cứ lo nghĩ quá nhiều tới tương lai bất định. Không ai có thể biết trước ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì. Lo lắng ở thời điểm này chỉ là vô ích, lãng phí thời gian.

Nếu bạn muốn tiến về phía trước, đầu tiên, hãy bước ra bước đầu tiên, sau đó mới đặt chân vào bước thứ hai. Suy nghĩ không thể “cầm đèn chạy trước ô tô” mà phải luôn song hành cùng với hành động. Có như vậy, mỗi bước tiến về phía trước mới trở nên vững chắc hơn.

Nguồn bài viết

Bài viết liên quan
Call Now Button