Chuyên gia, nhà quản lý hiến kế thúc đẩy cho vay cá nhân giai đoạn hậu Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nền kinh tế. Ở nước ta, Chính phủ đang cân nhắc hạ mục tiêu tăng trưởng GDP của năm nay, đồng thời cũng đã có gói hỗ trợ lên đến 62 nghìn tỷ đồng cho khoảng 20 triệu đối tượng bị tác động nặng nề từ đại dịch. 

Trong báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/5 vừa qua, Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu xây dựng các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động bình thường mới và các phương án, kế hoạch phục hồi ngay, phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững sau dịch.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia, để nhanh chóng vực dậy nền kinh tế, bên cạnh những hỗ trợ từ Chính phủ thì còn phải có nguồn vốn đủ cho các doanh nghiệp, người dân tái sản xuất.

Tại hội nghị của Thủ tướng với các doanh nghiệp mới đây, người đứng đầu ngành ngân hàng là Thống đốc Lê Minh Hưng đã cam kết ngành ngân hàng sẽ cấp đủ vốn và cố gắng giảm sâu hơn nữa lãi suất. Tuy nhiên, Thống đốc cũng khẳng định có thể hạ lãi suất xuống thấp hơn song sẽ không hạ chuẩn cho vay. Bởi vậy việc doanh nghiệp, cá nhân có phương án kinh doanh và trả nợ khả thi thì tiếp cận nguồn vốn chính thức và lãi suất hợp lý là không khó. Song với các đối tượng khách hàng, nhất là các khách hàng cá nhân dính nợ xấu, bị hạ điểm tín dụng thì không thể tiếp cận được các nguồn vốn chính thức và lúc này lại làm dấy lên nỗi lo tín dụng đen bùng phát.

Riêng về nạn tín dụng đen, thực tế trên thị trường vẫn luôn tồn tại những tổ chức, cá nhân cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Việc vay vốn từ tín dụng đen để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho bản thân người đi vay (bị đòi nợ, khủng bố tinh thần, phải trả lãi suất cao…) mà kéo theo hệ luỵ đến cả gia đình và xã hội, làm ảnh hưởng xấu tới các doanh nghiệp, ngân hàng làm ăn chân chính.

Vậy làm sao để doanh nghiệp, người dân, các hộ sản xuất tránh được bẫy tín dụng đen, làm sao để tiếp cận được nguồn vốn chính thức với lãi suất hợp lý, an toàn, hiệu quả, những chính sách nào được khuyến nghị để thúc đẩy cho vay cá nhân giai đoạn hậu Covid-19…là câu hỏi mà nhiều người quan tâm hiện nay.

Góp phần giải đáp các vấn đề trên, kênh thông tin tài chính CafeF phối hợp với chuyên trang Trí thức trẻ, Báo điện tử Tổ quốc sẽ tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành là TS. Cấn Văn LựcLuật sư Trương Thanh Đức, cùng với đại diện đến từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ. Buổi tọa đàm sẽ diễn ra vào sáng ngày 20/5, được trực tuyến trên chuyên trang Trí thức trẻ và trang tin CafeF.

Nguồn bài viết

Bài viết liên quan
Call Now Button