Các nước có tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 bình phục cao do đâu?

Các nước có tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 bình phục cao do đâu? - Ảnh 1.

Nhân viên cửa hàng ở thủ đô Berlin (Đức) dán thông báo yêu cầu khách hàng đứng cách nhau 1,5m, ngày 18-4 – Ảnh: REUTERS

Nếu không kể tới những nước đã vượt qua thành công giai đoạn 1 của dịch bệnh COVID-19 như Trung Quốc, Hàn Quốc, ở giai đoạn tiếp theo của đại dịch, thế giới cũng đã chứng kiến những thành công trong kiểm soát dịch và điều trị người bệnh tại nhiều quốc gia khác.

Đức: tỉ lệ chết thấp, bình phục cao

Đức hiện là nước có số ca bệnh COVID-19 nhiều thứ 5 thế giới (tới sáng 19-4 theo Worldometers là 143.724 người) nhưng cũng là nước có số người chết thấp hơn nhiều so với các nước và tỉ lệ bình phục rất cao (tới sáng 19-4 theo Worldometers là 85.400 người khỏi bệnh, tỉ lệ bình phục là 59,41%), cao nhất trong nhóm 5 nước bị ảnh hưởng dịch nặng nhất hiện nay.

Để so sánh, ở cùng thời điểm này, Mỹ có 738.913 người bệnh, 68.285 người khỏi, tỉ lệ bình phục 9,24%; Tây Ban Nha có 194.416 người bệnh, 74.797 người khỏi, tỉ lệ bình phục là 38,47%; Ý có 175.925 người bệnh, 44.927 người khỏi, tỉ lệ bình phục là 25,53%; Pháp có 151.793 người bệnh, 35.983 người khỏi, tỉ lệ bình phục là 23,70%.

“Chúng tôi đã không làm gì đặc biệt so với các nước khác – nhà virus học của Đức Martin Stürmer chia sẻ nhận định với tạp chí Vox – Nhìn chung chúng tôi có hệ thống chăm sóc tích cực khá tốt ở Đức”. 

“Chúng tôi cũng có những bác sĩ chuyên môn và các cơ sở y tế rất tốt, và có lẽ đó là một phần lý do vì sao những người bệnh nguy kịch của chúng tôi vượt qua tử thần nhiều hơn so với các nước khác”, ông nói tiếp.

Cũng theo ông Martin Stürmer, công tác xét nghiệm nhanh của Đức đã góp phần giúp tỉ lệ tử vong thấp hơn. Viện Robert Koch (RKI) đã sớm khuyến nghị triển khai xét nghiệm đại trà để phát hiện bệnh sớm nhất có thể và từ đó làm chậm tốc độ lây lan.

“Đây có thể là lý do vì sao chúng tôi đã phát hiện các ca bệnh từ rất sớm, cũng là những ca bị nhẹ mà rất có thể trong những tình huống khác sẽ bị bỏ sót. Nếu quý vị bắt đầu nhận thấy những người bệnh chết, điều đó có nghĩa virus đã hoạt động mạnh mẽ trong cộng đồng được một thời gian rồi” – bà Marieke Degen, phó phát ngôn của Viện RKI, cho biết.

Dữ liệu của Viện RKI cho thấy phần lớn các ca bệnh COVID-19 ở Đức đã được phát hiện ở nhóm người trong độ tuổi 35-59. Việc hầu hết số ca bệnh được tìm thấy ở nhóm tuổi vốn không được cho là thuộc nhóm nguy cơ cao (từ 60 tuổi trở lên) có thể là nhân tố góp thêm giúp tỉ lệ người chết giảm nhiều.

Cùng quan điểm với bà Marieke Degen, ông Christian Drosten, giám đốc Viện virus học tại Bệnh viện Charité ở Berlin, cũng tin tỉ lệ người chết vì COVID-19 ở Đức thấp là nhờ một phần ở công tác xét nghiệm sớm và được triển khai đại trà.

Trong khi các nước khác chỉ làm xét nghiệm giới hạn trên những người bệnh lớn tuổi bị nặng, Đức đã làm nhiều xét nghiệm hơn với cả những ca bệnh nhẹ và ở nhóm người trẻ hơn.

Đông Nam Á hồi phục ấn tượng

Bất kể còn những lo ngại về hạ tầng y tế hạn chế và thiếu thốn bộ kit xét nghiệm ở một số nước, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đã ghi nhận tỉ lệ người bệnh COVID-19 bình phục đáng chú ý như Campuchia, Việt Nam, Brunei và Malaysia.

Theo trang Worldometers, tính đến 10h sáng 19-4, tổng số ca bệnh COVID-19 của Malaysia (tổng dân số khoảng 31 triệu) là 5.305 ca. Mặc dù đã có 88 người chết nhưng nước này cũng đã có 3.102 người khỏi bệnh. Như vậy, tỉ lệ bình phục tới nay là 58,47% và tỉ lệ tử vong là 1,65%, cũng là mức thấp so với nhiều nước.

Báo New Straits Times dẫn quan điểm của ông Noor Hisham Abdullah, tổng giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia, cho rằng tỉ lệ người chết vì COVID-19 như vậy cho thấy chất lượng các dịch vụ y tế cũng như các đơn vị hồi sức tích cực (ICU) của các bệnh viện tại Malaysia.

Theo trang The Asean Post (Malaysia), những nỗ lực “chặt đứt” chuỗi lây nhiễm của chính quyền Malaysia đã tỏ ra thành công tới nay. Nước này kích hoạt lệnh phong tỏa một phần đầu tiên ngày 18-3 và sau đó đã 2 lần gia hạn. Giai đoạn 3 của lệnh kiểm soát đi lại có hiệu lực từ 15-4 và sẽ kết thúc vào 28-4.

“Chúng tôi học theo mô hình Hàn Quốc là xét nghiệm tất cả mọi người. Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm và rồi lại xét nghiệm. Với cách này, chúng tôi có thể phát hiện sớm các ca dương tính và giảm lây lan COVID-19”, bác sĩ Nur Abdul Karim chia sẻ kinh nghiệm.

Theo truyền thông địa phương, hiện năng lực xét nghiệm COVID-19 của Malaysia đạt 11.500 mẫu/ngày, dự kiến còn tăng thêm với 5 phòng thí nghiệm mới, nâng lên tổng cộng 48 cơ sở xét nghiệm toàn quốc.

Ở Đông Nam Á, không chỉ Malaysia, nhiều quốc gia khác cũng đã có tỉ lệ người bệnh COVID-19 bình phục ấn tượng. Tính tới 19-4, Campuchia có 122 ca bệnh, 103 người đã khỏi, tỉ lệ bình phục là 84,42%; Việt Nam có 268 ca bệnh, 201 người đã khỏi, tỉ lệ bình phục là 75%; Brunei có 137 ca bệnh, trong đó 1 người chết và 113 người khỏi bệnh, tỉ lệ bình phục là 82,48%…

10 quốc gia và vùng lãnh thổ điều trị COVID-19 tốt nhất

Deep Knowledge Group, liên đoàn các công ty công nghệ và tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại London (Anh), sau khi khảo sát các nguồn dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới, ĐH Johns Hopkins, cộng thêm dữ liệu về tình hình phát triển kinh tế, công nghệ đã đưa ra bảng xếp hạng 10 nơi có năng lực điều trị COVID-19 hiệu quả nhất: 1. Đức; 2. Trung Quốc; 3. Hàn Quốc; 4. Áo; 5. Hong Kong; 6. Singapore; 7. Đài Loan; 8. Israel; 9. Nhật Bản và 10. UAE.

Tiêu chí đánh giá, xếp hạng này căn cứ trên mức độ hiện đại và hiệu quả của các nỗ lực theo dõi tình trạng lây lan dịch bệnh, cách điều trị và năng lực phát triển, thử nghiệm, đánh giá cũng như triển khai các vắcxin, thuốc điều trị tiềm năng với COVID-19.

Nguồn bài viết

Bài viết liên quan
Call Now Button