6 tháng thực hiện nghị định ‘đã uống không lái’: Giảm 568 người chết so với cùng kỳ

6 tháng thực hiện nghị định đã uống không lái: Giảm 568 người chết so với cùng kỳ - Ảnh 1.

Ông Khuất Việt Hùng kiểm tra tại hiện trường vụ xe tải tông làm 5 người chết tại chợ 312, xã Đắk Rla, Đắk Mil, Đắk Nông – Ảnh: TRUNG TÂN

Cụ thể toàn quốc xảy ra 6.790 vụ tai nạn (giảm 19,02%), làm chết 3.242 người (giảm 14,91%), bị thương 4.939 người (giảm 22,32%). Như vậy, số người chết giảm 568 người.

Có ai nói nghị định 100 làm ảnh hưởng kinh tế, tôi thấy rằng quan điểm này không thể chấp nhận được. Kinh doanh rượu bia cũng góp phần tăng trưởng kinh tế nhưng cũng có tác hại. Chúng ta không thể cho uống thoải mái để rồi xảy ra tai nạn khiến nhiều người chết.

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình

Đây là nội dung được thông tin tại hội nghị bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp quý 3 và 6 tháng cuối năm 2020 vào ngày 1-7. Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông có hiệu lực từ 1-1 với nhiều nội dung nhưng được mọi người nhắc đến nhiều với tên dễ nhớ “đã uống không lái”.

Cảnh sát giao thông phải lập chốt tuần tra khu vực có nhiều quán nhậu, phạt nặng để nâng cao ý thức, đã nhậu là không được lái xe ra về.

Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc

Tai nạn do xe tải nặng, xe container tăng đột biến

Ông Khuất Việt Hùng – phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia – cho biết so với cùng kỳ năm trước thì 6 tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông đã giảm sâu nhất trong nhiều năm qua về số vụ, số người chết và số người bị thương. 

Cụ thể, toàn quốc xảy ra 6.790 vụ tai nạn (giảm 19,02%), làm chết 3.242 người (giảm 14,91%), bị thương 4.939 người (giảm 22,32%). 

Tuy nhiên, tai nạn do xe tải nặng, xe container tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, số vụ vi phạm về nồng độ cồn vẫn ở mức cao với 86.114 trường hợp (chiếm 4,4% tổng số vi phạm giao thông), trong đó nhiều trường hợp bị xử phạt ở mức cao nhất. Mặt khác, nhiều địa phương vẫn xảy ra một số vụ tai nạn từ việc người lái xe có uống rượu bia.

“Ý thức của một số người tham gia giao thông chưa cao. Khi bị dừng xe để kiểm tra một số người đã có những lời nói, hành động chống đối bất hợp tác, không chấp hành, nhất là khi được kiểm tra nồng độ cồn. Có những trường hợp người vi phạm nồng độ cồn trốn tránh không xuất trình giấy phép lái xe, bỏ lại xe” – ông Hùng nói.

Theo Phó thủ tướng thường trực, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình, mặc dù tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp nhưng các lực lượng đã ra quân quyết liệt thực hiện nghị định 100. Từ đó, tạo nên sự chuyển biến tích cực về ý thức, hành vi của người tham gia giao thông. 

Phó thủ tướng cho biết việc này đã tạo động lực quan trọng nhằm phòng chống tác hại của rượu bia đi vào cuộc sống. Phó thủ tướng chia sẻ mỗi ngày tai nạn giao thông làm cho 25 người chết. Do vậy, trách nhiệm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết.

Phạt nguội bằng camera

Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, con số thống kê cho thấy tình hình giao thông có chuyển biến tốt nhưng vẫn chưa thể yên tâm vì trong 6 tháng qua có 2 tháng là dịch COVID-19. 

Cùng với nghị định 100, Phó thủ tướng đặt vấn đề: “Trong các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có nguyên nhân do lái xe uống bia rượu. Phải kéo giảm các tiêu chí tai nạn. Chúng ta có thể kiên quyết thực hiện nghị định 100 và nghị định 10 tốt không?” (nghị định 10 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô – PV).

Đại tá Nguyễn Văn Trung – cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ (Bộ Công an) – cho biết nghị định 100 với những điều chỉnh về quy định nồng độ cồn đã được người dân ủng hộ. 

“Thời gian đầu còn gặp vướng mắc như do ý thức lái xe chưa cao nên chống đối, bất hợp tác khi bị kiểm tra nồng độ. Theo nghị định 100, việc đã vi phạm nồng độ cồn còn không chấp hành sẽ được xử lý với mức cao nhất” – cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông nói.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, nghị định 100 đã tạo ra sức lan tỏa ý thức tự giác chấp hành giao thông rất cao. Tuy nhiên, thứ trưởng cũng đề nghị rà soát 200.000 phương tiện giao thông được kiểm định nhưng không đạt đã khắc phục chưa? 414 trường hợp lái xe vi phạm việc sử dụng ma túy và 86.114 trường hợp vi phạm nồng độ còn tái phạm không? 

“Trong 6 tháng cuối năm cần phải báo cáo lại hội nghị để theo dõi kiên trì, giải quyết dứt điểm” – Thứ trưởng Ngọc nói.

Thứ trưởng Ngọc cũng đề nghị cho kết nối camera vào trung tâm chỉ huy giao thông của Cục Cảnh sát giao thông. Hiện việc lắp camera đa số là camera quan sát nên hạn chế việc phạt nguội. Nổi lên thời gian qua là chuyện xe chạy ngược chiều hoặc lùi ngược chiều trên cao tốc… 

“Trước khi lắp đặt camera, các địa phương cần phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông để thống nhất nhằm tiết kiệm chi phí” – thứ trưởng Bộ Công an đề xuất. Đồng tình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng cần phải hoàn chỉnh hệ thống camera giám sát để phạt nguội.

6 tháng thực hiện nghị định đã uống không lái: Giảm 568 người chết so với cùng kỳ - Ảnh 4.

Nguồn: Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Kiểm tra cao điểm từ 15-7 đến 14-9

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng sau dịch COVID-19, nhiều người đã có tâm lý chủ quan. Do đó, cần phải tổng kiểm tra xử lý các trạm đăng kiểm, trung tâm đào tạo làm không đúng quy định hoặc xe quá niên hạn vẫn sử dụng phải xử lý nghiêm. 

Đại tá Nguyễn Văn Trung cũng khẳng định sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ thực hiện nghị định 100, theo đó sẽ xây dựng các kế hoạch kiểm tra cao điểm từ 15-7 đến 14-9 theo chỉ đạo của Bộ Công an. Trong đó, lực lượng sẽ tập trung xử lý các hành vi vi phạm về việc có nồng độ cồn và sử dụng ma túy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc – chánh văn phòng Ban an toàn giao thông TP.HCM – cho rằng dù trong 6 tháng đầu năm, tai nạn giao thông ở TP.HCM giảm cả ba mặt. Thế nhưng, phải công nhận việc tai nạn giảm một phần do dịch bệnh, người dân ít ra đường, một phần do đầu năm nay chúng ta siết chặt xử phạt vi phạm giao thông theo nghị định 100. Nhờ đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông bị xử phạt nặng như nồng độ cồn, quá tải trọng… giúp cải thiện tình hình giao thông trên địa bàn thành phố. 

Hơn nữa, vừa qua, cảnh sát giao thông toàn quốc có đợt tổng kiểm soát xe cộ đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Chỉ tính riêng việc cảnh sát được dừng xe không cần lỗi vi phạm ban đầu đã phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm do sơ ý, các hành vi vi phạm hình sự khác.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng phân tích trong tháng 5-2020 số vụ tai nạn giao thông lại khá cao, nguyên nhân do người dân chủ quan đường vắng nên vượt đèn đỏ, lấn làn rất nhiều dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông cao. Ngoài ra, một thời gian sau dịch, người dân có tâm lý xả ga nên lại nhậu nhẹt rồi tự đi xe về dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông cũng tăng cao.

Ông Phúc đề nghị từ nay đến cuối năm 2020, các lực lượng, các đơn vị vẫn phải ráo riết triển khai các biện pháp căn cơ, hiệu quả hơn. Lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục siết chặt công tác tuần tra, kiểm soát, đặc biệt chú trọng đến các vi phạm về nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ quy định…

Xử lý trách nhiệm để phát sinh “điểm đen”

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể kiến nghị chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cần xử lý trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước của bộ ngành, địa phương về việc để phát sinh “điểm đen” hoặc quá trình duy tu sửa chữa đường dẫn đến tai nạn. “Nếu chúng ta xử lý trách nhiệm quản lý nhà nước, tôi tin rằng người dân sẽ rất ủng hộ” – Bộ trưởng Thể nói.

Bên cạnh kết quả đạt được, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nghiêm khắc nhắc nhở 14 địa phương để xảy ra tai nạn giao thông tăng. Trong đó có 8 tỉnh có số người chết do tai nạn giao thông cao như An Giang, Phú Yên, Kon Tum, Đắk Nông, Bến Tre… Phó thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh sâu sát chỉ đạo bảo đảm an toàn giao thông từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo.

Nguồn bài viết

This entry was posted in Chưa phân loại. Bookmark the permalink.
Call Now Button